Tin nổi bật

Bị oan gần 40 năm chưa được xin lỗi

Trên doc bao phap luat, một cựu chiến binh ở Tây Ninh bị bắt giam oan gần bốn năm từ thập niên 80 của thế kỷ trước nhưng đến nay vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường oan.
Người bị oan trong vụ này là ông Nguyễn Văn Dũng, quê xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng (Tây Ninh). Gần 40 năm trước, cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh khởi tố, bắt giam oan ông Dũng, sau đó đình chỉ điều tra. Từ đó đến nay, ông liên tục yêu cầu xin lỗi, bồi thường oan nhưng không cơ quan nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Biến cố
Năm 1976, chàng thanh niên Nguyễn Văn Dũng mới chỉ 16 tuổi. Các anh của Dũng đều đi bộ đội, không thể chờ thêm hai năm nữa, Dũng đi làm lại giấy khai sinh, khai tăng thêm hai tuổi để được nhập ngũ. Anh được đưa sang Campuchia làm tiểu đội trưởng đơn vị C19-E774, thuộc Sư đoàn 317 Quân khu 7. Đến tháng 7/1979, anh được đơn vị cho về thăm gia đình.
Nguyễn Văn Dũng về nhà vào tối 26/7/1979. Khuya đó, ở xã xảy ra một vụ cướp có vũ khí. Anh bị công an xã đưa về trụ sở xã rồi chuyển lên công an huyện. Dũng kể: "Sau đó, họ dùng nhục hình buộc tôi phải thừa nhận tội cướp. Tôi đã nhiều lần đề nghị chuyển tôi sang quân pháp xử lý vì tôi là quân nhân nhưng không được giải quyết. Tôi vô cùng tuyệt vọng. Tôi nhiều lần kêu oan nhưng không được xem xét. Đến ngày 11/5/1983, tôi được trả tự do, VKS tỉnh ra quyết định đình chỉ điều tra".
Bị oan gần 40 năm chưa được xin lỗi
Bị oan từ tuổi 20, đến nay đã gần 60 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Dũng vẫn chưa được xin lỗi, bồi thường.
Quyết định đình chỉ điều tra của VKS tỉnh Tây Ninh nêu rõ: Do khi xảy ra vụ cướp, gia đình nạn nhân xác định đám cướp có súng và một con dao trắng loại dùng để bán bánh mì. Một người ở xã có con dao này nên bị rơi vào diện nghi vấn. Người này bị bắt, bị dùng nhục hình và đã khai nhận có cả Nguyễn Văn Dũng tham gia. Nhưng khi công an đến chỗ "cất giấu tài sản" thì không có gì. Sau một thời gian dài điều tra không có kết quả.
VKS nhận định: "Do điều tra nhục hình buộc họ nhận chớ họ không phạm tội này".
"Chỉ cần một lời xin lỗi"
Sau khi được đình chỉ điều tra, ông Dũng tìm về đơn vị cũ thì được biết đơn vị đã cắt quân số và báo cáo anh đào ngũ. Ông trình bày sự việc với lãnh đạo đơn vị. Đơn vị đã xem xét các giấy tờ ông mang tới và khôi phục hồ sơ quân nhân cho ông. Sau đó, đơn vị giải quyết chế độ xuất ngũ cho ông. Về trách nhiệm bồi thường danh dự, đơn vị hướng dẫn ông về lại địa phương liên hệ với cơ quan tố tụng.
Tuy nhiên, từ ngày được trả tự do đến nay, ông Dũng không hề nhận được một lời xin lỗi hay sự bồi thường oan nào từ phía cơ quan tố tụng. Ông gửi đơn khiếu nại lên công an tỉnh, đơn vị này trả lời: "VKSND tỉnh Tây Ninh là cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn".
Ông đến VKS tỉnh thì được trả lời vụ việc đã được "giải quyết" bằng một công văn ký ngày 18/7/2000 với nội dung "thời điểm năm 1983 chưa có Luật Bồi thường của Nhà nước nên đơn vị chủ quản chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và quyền lợi hợp pháp".
Vợ ông Dũng tâm tư: "Gần 40 năm qua, ông ấy vẫn không cất được gánh nặng trong lòng. Tôi mong cơ quan có trách nhiệm hãy đến gặp ông một lần, chỉ một lời xin lỗi thôi chứ bắt ông đợi tới bao giờ".
Đến nay, ở tuổi gần 60, ông Dũng nói vẫn không thể cất đi gánh nặng trong lòng. Ông tâm sự: "Ai từng rơi vào cảnh này mới thấu. Tôi không đòi hỏi gì nhiều, chỉ cần họ đến đây và nhận sai thôi".
VKS phải xin lỗi, bồi thường oan
Chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo VKS tỉnh Tây Ninh nhiều lần để tìm hiểu về vụ việc nhưng bất thành.
Luật sư Nguyễn Sơn Lâm (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) cho rằng trường hợp của ông Dũng vẫn còn thời hiệu để yêu cầu giải quyết bồi thường oan. Theo luật sư Lâm, khoản 2 Điều 18 Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 quy định:"Đối với những người thuộc các trường hợp quy định tại Điều 1 của nghị quyết này mà có bản án, quyết định có hiệu lực phap luat trước ngày 1/7/1996 của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó bị oan mà đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại của người bị oan hoặc thân nhân của người bị oan đã được cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự tiếp nhận trước ngày nghị quyết này có hiệu lực nhưng chưa giải quyết hoặc đang giải quyết thì áp dụng nghị quyết này để giải quyết".
Theo luật sư Lâm, kể từ năm 1983, sau khi được trả tự do, ông Dũng đã liên tục gửi đơn đến các cơ quan tố tụng yêu cầu được giải quyết bồi thường. Chính văn bản trả lời của công an và VKSND tỉnh Tây Ninh cũng đã thừa nhận điều này. Như vậy, chiếu theo Nghị quyết 388, trường hợp của ông Dũng phải được xin lỗi, bồi thường oan.

"Cơ quan tố tụng tỉnh Tây Ninh nên xem xét giải quyết bồi thường cho ông Dũng. Đó là trách nhiệm, cũng là đạo lý đối với một quân nhân đã chịu quá nhiều tổn thương như ông Dũng" - luật sư Lâm nói.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Designed by Templateism.com Copyright © 2015
Hình ảnh chủ đề của Bim. Được tạo bởi Blogger.