Một chiếc xe bị phá hủy trong cuộc không kích phiến quân IS ở thành phố Fallujah làm 21 người thương vong. (Nguồn: THX) |
Giới chức quân sự Mỹ ngày 6/1 cho biết Bộ Quốc phòng nước này đang mở cuộc điều tra về các cáo buộc dân thường bị sát hại trong các đợt không kích của liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu nhằm vào các tay súng tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Lầu Năm Góc, Phó Đô đốc John Kirby cho biết Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ - đơn vị trực tiếp giám sát chiến dịch không kích IS - đã xem xét 18 đơn kiện về việc các cuộc không kích giết nhầm dân thường.
Theo ông Kirby, mặc dù đưa ra kết luận 13 trường hợp là "không đáng tin cậy và vô căn cứ," song các quan chức sẽ tiếp tục điều tra sâu rộng về 5 vụ còn lại, trong đó có cuộc không kích ngày 26/12/2014.
Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng thừa nhận các cuộc không kích của liên quân "có thể đã giết nhầm dân thường" sau nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.
Trước đó, Lầu Năm Góc khẳng định họ không nhận được bất kỳ báo cáo nào về các trường hợp dân thường thiệt mạng trong các đợt không kích bắt đầu từ hồi tháng Tám năm ngoái.
Tuy nhiên, các tổ chức giám sát nhân quyền cho rằng hàng chục dân thường, chủ yếu ở Syria, đã bị giết nhầm trong các cuộc không kích của liên quân.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 10/2014 của tổ chức giám sát nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh, 32 dân thường đã thiệt mạng trong tháng đầu tiên liên quân tiến hành không kích các mục tiêu IS ở Syria.
Tổ chức giám sát nhân quyền có trụ sở tại New York, Mỹ cũng bày tỏ quan ngại về các cáo buộc dân thường thiệt mạng hoặc bị thương trong các chiến dịch không kích, đồng thời yêu cầu mở cuộc điều tra về việc liệu quân đội Mỹ có vi phạm các điều luật chiến tranh khi tiến hành các cuộc không kích này hay không.
Tính đến giữa tháng 12/2014, ngoái, liên minh quốc tế do Mỹ đứng đầu đã tiến hành 1.350 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS ở cả Syria và Iraq.
Các cuộc không kích chống IS bắt đầu từ ngày 8/8/2014 tại Iraq sau khi phiến quân giành quyền kiểm soát một vùng phía Đông Bắc Iraq và bắt đầu mở rộng tại Syria.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã triển khai hơn 3.000 quân tới Iraq làm nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện cho lực lượng an ninh sở tại.
Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Mỹ cũng vừa thông qua quyết định trang bị vũ khí và điều binh sỹ Mỹ tới huấn luyện cho các tay súng đối lập tại Syria để cùng tham gia cuộc chiến chống IS.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét