Tin nổi bật

Ngày mới tại "Làng đợi chết" ở Đá Bạc

Cuộc sống mới trên chính miền quê từng một thủa khiến những cá nhân như họ nhắm mắt, buông xuôi nay vẫn gượng đứng dậy, với những kỳ diệu và sự hồi sinh không tưởng. 

Cách nay hơn một thập kỷ, thôn Đá Bạc nghèo đói đến mức người dân phải bỏ xứ tha phương. Gọi là "đi làm kinh tế mới" cho oai chứ thực chất cánh thanh niên, trai tráng trong làng đổ xô vào mạn Quảng Nam để khai thác vàng. Cái thôn có gần 360 dân, 90% trong số ấy là người Mường, cũng vì thế mà chỉ còn sót lại toàn người già, phụ nữ và trẻ em. Ai cũng nghĩ, cuộc sống sau cái đận đưa con em đi làm kinh tế mới sẽ giúp hơn 80 hộ dân bớt nghèo, bớt đói, tương lai vì thế mà cũng tươi sáng hơn...

Nhưng việc chẳng ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn rời làng, những "hy vọng" ấy lần lượt trở về trong bộ dạng gần như không thể tàn tạ hơn. Tiền bạc, giấc mơ đổi đời đâu không thấy, chỉ còn cánh đàn ông sức dài vai rộng nay tiu nghỉu, vật vờ, sức cùng lực kiệt. Tồi tệ hơn, họ không biết mình đã mang về cái thôn yên ả này mầm mống căn bệnh thế kỷ.

Ông Bạch Văn Viên, nguyên trưởng thôn Đá Bạc, chủ nhiệm câu lạc bộ (CLB) Cùng Chia Sẻ chua xót nhớ lại: "Năm 2003, sau khi chúng tôi xét nghiệm thì hàng loạt gia đình có người nhà bị phơi nhiễm, dương tính với HIV. Không khí kinh hoàng, hãi hùng bao trùm lên cả làng Đá Bạc này. Lúc ấy, tính ra cả thôn có 80 hộ dân thì 27 hộ có người xét nghiệm dương tính, nghĩa là gần 1/10 dân số thôn "dính ết".

"Con vi rút ết" đáng sợ nhưng cay đắng nhất là chuyện người làng Đá Bạc nhìn và suy nghĩ nó với ánh mắt không mấy thiện cảm. Nhà nào có người nhiễm HIV là chắc chắn bị bạn bè, anh em ngoảnh mặt làm ngơ. Thậm chí, ngay trong những gia đình có người dính cái dớp đó cũng phân chia, cho con em mình ăn uống bằng bát đũa riêng. Bi kịch hơn, không ít ông bố, bà mẹ đã từ mặt con cái, đuổi ra ngoài ở riêng để khỏi mang tiếng với xã hội là có người nhà bị "ết". Xóm giềng cạnh nhà nhau cả năm cũng không dám ngồi uống nước chung một lần. Vợ ông Viên đang thái dở cân thịt gần đó cũng nhăn nhó kể: "Ngay gần nhà tôi có một cậu bị, mỗi lần sang mua thịt là y như rằng hôm đó ế ẩm, người làng chả ai dám bén mảng, mua thịt nhà tôi nữa".


"Ngày ấy những người không may bị AIDS đều có thái độ sống rất tiêu cực khiến người làng lại càng nhìn họ với ánh mắt kỳ thị hơn" - ông Viên chia sẻ. Chẳng là, trong giai đoạn phát bệnh, không ít trường hợp người bệnh chán nản, bỏ ra đường hù dọa làng xóm.

Ngay bản thân ông Viên cũng không ít lần bị những người mang căn bệnh thế kỷ, phăm phăm cầm dao dọa nạt, xin đểu. "Chứng kiến họ như vậy tôi thấy đáng thương nhiều hơn đáng trách. Sau khi gặp họ rồi khuyên bảo tôi thấy họ đều tự ti, họ sợ người làng lãng quên nên phải để người ta sợ" - ông chủ nhiệm CLB Cùng Chia Sẻ bộc bạch.

Theo tìm hiểu của người viết, thời điểm năm 2004 không ít gia đình cả hai vợ chồng hoặc hai đến ba anh em trong một nhà đều bị nhiễm AIDS. Trong số ấy, đau xót nhất có lẽ là hộ nhà ông Biên, bà Thược ở Đá Bạc, chính căn bệnh quái ác ấy đã cướp đi 4 đứa con trai của ông bà, để lại những phận già côi cút.

Những mầm hi vọng lóe lên ở Đá Bạc, cứu vớt những số phận bế tắc nơi bản nghèo quả thực đã có không ít. Đơn cử như trường hợp ông Cao Thái Kỷ, một cựu chiến binh tự nguyện mở lớp dạy nghề, tạo việc làm cho những bệnh nhân HIV ở Đá Bạc cách đây ít năm. Thời điểm đó, nhà ông Kỷ mỗi ngày thu hút 10 - 16 thanh niên có HIV đến sản xuất, hàng tháng thu nhập từ nghề đan rút nhựa mang lại cho họ 600 nghìn đến 1,2 triệu đồng/người. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại mô hình công ích đó đã "chết yểu" vì sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ.

Điều may mắn còn đọng lại với những người nhiễm "vi rút ết" ở Đá Bạc có lẽ là việc vay vốn để phát triển kinh tế dựa theo một dự án mang tên UNFPA. Ngoài ra, sự hoạt động tích cực của mô hình CLB Cùng Chia Sẻ thuộc liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hòa Bình đã góp phần xóa đi những mê muội về "con ma ết" ở Đá Bạc.

Không ai có thể găm mãi trong mình nỗi đau và sự ám ảnh bởi cuộc sống có bao điều cần phải vượt qua, và những người nhiễm "ết" ở Đá Bạc cũng phải vượt qua những lằn ranh ấy. Khi hỏi tình hình ở Đá Bạc diễn tiến ra sao sau chừng ấy năm vì cơn bão AIDS, ông Bạch Văn Viên cười tươi cho biết, hiện không ít trường hợp mắc phải căn bệnh thế kỷ trong làng như anh H., anh K.… giờ họ đã làm nhà, xây dựng cuộc sống mới trên chính miền quê từng một thủa khiến những cá nhân như họ nhắm mắt, buông xuôi.

Cuộc sống của 80 hộ dân ở Đá Bạc đã không còn những xáo trộn, bất trắc, dẫu dư âm câu chuyện buồn chưa hẳn đã mất đi. Và cái sự mới hơn cần ghi là: nhiều người ở nơi khác đã đến với vùng đất Đá Bạc để gặp gỡ, sẻ chia giống như thời chưa có cơn bão HIV/AIDS đi qua...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Designed by Templateism.com Copyright © 2015
Hình ảnh chủ đề của Bim. Được tạo bởi Blogger.